Lịch sử Sa_Đéc

Thời phong kiến

Đình Vĩnh Phước lập ở nửa đầu thế kỷ 19, thờ Thành hoàng bổn cảnh và sau đó thờ thêm Tống Phước Hòa

Trước khi chúa Nguyễn khai phá miền đất phía Nam, Sa Đéc thuộc đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp, với tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Nhiều người cho rằng Sa Đéc theo tiếng Khmer nghĩa là "chợ sắt". Tuy nhiên Sơn Nam và nhiều nhà nghiên cứu khác không chắc chắn lắm với luận điểm này, lại có quan điểm cho rằng nguyên gốc tên gọi Phsar Dek là tên một vị thủy thần Khmer.

Khoảng cuối thập niên 1750, Chúa Nguyễn thành lập năm đạo ở miền Tây Nam Bộ, để bảo vệ cho Dinh Long Hồ trong đó có Đông Khẩu Đạo là thành phố Sa Đéc và một số huyện lân cận. Trong một thời gian dài, Sa Đéc từng là một trong những khu chợ sung túc nhất ở phía Nam.

Năm 1832, sau khi Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng chia lại miền Nam thành ngũ trấn gồm lục tỉnh. Khi đó Sa Đéc lại thuộc phủ Tân Thành, tỉnh An Giang.

Vào thời nhà Nguyễn độc lập, vùng đất huyện Châu Thành và thành phố Sa Đéc ngày nay ban đầu thuộc địa bàn các tổng An Hội, An Mỹ, An Thạnh, An Trung cùng thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang.

Năm 1839, đặt thêm huyện An Xuyên thuộc phủ Tân Thành do tách ra từ huyện Vĩnh An. Từ đó, các tổng An Thạnh và An Trung thuộc huyện Vĩnh An; các tổng An Hội và An Mỹ thuộc huyện An Xuyên.

Năm 1836, các tổng An Hội, An Mỹ, An Thạnh, An Trung có các thôn trực thuộc như sau:

  • Tổng An Hội gồm 5 thôn: An Tịch, Sùng Văn, Tân Lâm, Tân Quy Đông, Tân Xuân;
  • Tổng An Mỹ gồm 7 thôn: An Thuận, Phú An, Phú Hựu, Phú Nhơn, Tân An Đông, Tân Hựu, Tân Nhơn;
  • Tổng An Thạnh gồm 7 thôn: Hội An, Mỹ An, Tân An Trung, Tân Đông, Tân Khánh, Tân Khánh Tây, Tân Mỹ;
  • Tổng An Trung gồm 6 thôn: Bình Tiên, Tân Phú, Tân Phú Đông, Tân Phú Trung, Tân Quy Tây, Vĩnh Phước.

Thời Pháp thuộc

Sau khi chiếm hết được ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp dần xóa bỏ tên gọi tỉnh An Giang cùng hệ thống hành chính phủ huyện cũ thời nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra. Lúc bấy giờ, hạt Thanh tra Tân Thành được thành lập trên địa bàn phủ Tân Thành, tỉnh An Giang cũ. Trụ sở hạt Thanh tra Tân Thành đặt tại Sa Đéc. Lúc đầu, hạt Thanh tra tạm gọi tên theo tên các phủ huyện cũ, sau mới đổi tên gọi theo địa điểm đóng trụ sở. Về sau, hạt Thanh tra Tân Thành cũng được đổi tên thành hạt Thanh tra Sa Đéc.

Ngày 5 tháng 1 năm 1876, hạt Thanh tra Sa Đéc đổi thành hạt tham biện Sa Đéc.

Chùa bà Thiên Hậu, nơi tín ngưỡng của người Hoa ở Sa Đéc

Theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 20 tháng 12 năm 1889 đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900, tỉnh Sa Đéc được thành lập trên cơ sở đổi tên hạt tham biện Sa Đéc trước đó. Tỉnh lỵ Sa Đéc ban đầu đặt tại làng Vĩnh Phước thuộc quận Châu Thành (kể từ năm 1924). Sau này, thực dân Pháp hợp nhất 6 làng Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, Tân Hưng, Tân Phú Đông, Vĩnh Phước và Hòa Khánh lại thành một làng lấy tên là Tân Vĩnh Hòa. Từ đó, tỉnh lỵ Sa Đéc thuộc địa bàn làng Tân Vĩnh Hòa. Thời Pháp thuộc, làng Vĩnh Phước và sau đó là làng Tân Vĩnh Hòa vừa đóng vai trò là quận lỵ quận Châu Thành và là tỉnh lỵ tỉnh Sa Đéc.

Từ ngày 9 tháng 2 năm 1913 đến ngày 9 tháng 2 năm 1924, tỉnh Sa Đéc bị giải thể, toàn bộ diện tích tỉnh bị sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Long.

Sau năm 1924, tỉnh Sa Đéc được tái lập với 3 quận trực thuộc:

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền Việt Minh cho thành lập thị xã Sa Đéc trực thuộc tỉnh Sa Đéc.

Tháng 6 năm 1951, thị xã Sa Đéc thuộc tỉnh Long Châu Sa.

Nhưng đến tháng 10 năm 1954, tỉnh Long Châu Sa lại chia làm 3 tỉnh là Sa Đéc, Châu Đốc, Long Xuyên như cũ.

Giai đoạn 1956-1976

Việt Nam Cộng hòa

Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bỏ tỉnh Sa Đéc, phần bắc tỉnh này ở bờ trái (bờ bắc) sông Tiền nhập vào tỉnh Kiến Phong, phần nam tỉnh này ở bờ phải (bờ nam) sông Tiền (giữa sông Tiền và sông Hậu, gồm các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, thị xã Sa Đéc) nhập vào tỉnh Vĩnh Long. Quận Châu Thành thuộc tỉnh Sa Đéc cũ được đổi tên thành quận Sa Đéc thuộc tỉnh Vĩnh Long. Lúc này, xã Tân Vĩnh Hòa (sau năm 1956 các làng gọi là xã) chỉ còn giữ vai trò là quận lỵ quận Sa Đéc.

Nhưng đến ngày 24 tháng 9 năm 1966, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lại tái lập tỉnh Sa Đéc. Tỉnh Sa Đéc mới tách ra từ tỉnh Vĩnh Long, chỉ gồm phần đất nằm giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, với diện tích khoảng 900 km². Khi đó, quận Sa Đéc lại đổi tên thành quận Châu Thành như cũ.

Ngày 14 tháng 3 năm 1968, quận Châu Thành lại bị đổi tên thành quận Đức Thịnh.

Tỉnh lỵ tỉnh Sa Đéc khi đó có tên là "Sa Đéc", về mặt hành chánh vẫn thuộc xã Tân Vĩnh Hòa.

Trong giai đoạn 1966-1975, xã Tân Vĩnh Hòa vẫn tiếp tục vừa đóng vai trò là quận lỵ quận Châu Thành (sau năm 1968 là quận Đức Thịnh) và là tỉnh lỵ tỉnh Sa Đéc.

Trong thời kỳ trước năm 1975, Sa Đéc là một khu vực quân sự, chính trị quan trọng của Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa với một Căn cứ Sa Đéc tọa lạc tại trường Cao đẳng nghề Đồng Tháp ngày nay. Nhưng những hoạt động cách mạng không vì thế mà suy giảm, vẫn có những cơ sở đảng được thành lập và được người dân che chở.

Chính quyền Cách mạng

Chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cũng phân chia, sắp xếp lại các đơn vị hành chính trong tỉnh như bên chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Năm 1957, chính quyền Cách mạng cũng giải thể và sáp nhập tỉnh Sa Đéc vào tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, huyện Châu Thành cũ cũng đổi tên thành huyện Sa Đéc. Như vậy, lúc bấy giờ thị xã Sa Đéc và huyện Sa Đéc là hai đơn vị hành chính cấp huyện ngang bằng nhau và cùng thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Trong giai đoạn 1966-1974, địa bàn tỉnh Sa Đéc của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn do tỉnh Vĩnh Long của chính quyền Cách mạng quản lý. Do đó, huyện Sa Đéc và thị xã Sa Đéc vẫn thuộc tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, tên gọi "quận Đức Thịnh" cũng không được phía chính quyền Cách mạng công nhận và sử dụng.

Tháng 8 năm 1974, Trung ương Cục miền Nam quyết định giải thể các tỉnh Kiến PhongAn Giang để tái lập các tỉnh Long Châu Tiền, Long Châu HàSa Đéc. Tỉnh Sa Đéc gồm các huyện Chợ Mới, Cao Lãnh, Kiến Văn, Mỹ An và thị xã Cao Lãnh của tỉnh Kiến Phong cũ và các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, thị xã Sa Đéc của tỉnh Vĩnh Long giao lại; tỉnh lỵ đặt tại thị xã Sa Đéc. Lúc này, huyện Sa Đéc cũng được đổi lại tên cũ là huyện Châu Thành thuộc tỉnh Sa Đéc.

Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn đặt thị xã Sa Đéc thuộc tỉnh Sa Đéc như trước đó cho đến đầu năm 1976.

Từ năm 1976 đến nay

Từ tháng 2 năm 1976, tỉnh Sa Đéc được sáp nhập với tỉnh Kiến Phong thành tỉnh Đồng Tháp. Thị xã Sa Đéc ban đầu vẫn là tỉnh lỵ tỉnh Đồng Tháp cho đến ngày 29 tháng 4 năm 1994. Sau đó tỉnh lỵ được dời về thị xã Cao Lãnh (ngày nay là thành phố Cao Lãnh). Thị xã Sa Đéc ban đầu gồm 5 xã: Vĩnh Phước, Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, Tân Hưng, Tân Phú Đông.

Ngày 10 tháng 09 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 62-HĐBT[1] về việc thành lập một số phường và xã mới thuộc thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp:

  • Giải thể các xã Vĩnh Phước, Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, Tân Hưng, Tân Phú Đông.
  • Thành lập các phường và xã sau đây:
    • Thành lập phường 1 gồm có 4 khóm: khóm 1, khóm 2, khóm 3 và khóm 4 (trước đây gọi là các ấp Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thuận, Vĩnh Thới và Tân Bình)
    • Thành lập phường 2 gồm có 3 khóm: khóm 1, khóm 2 và khóm 3 (trước đây gọi là ấp Hoà Khánh, Phú Mỹ và một phần của ấp Phú Thuận)
    • Thành lập phường 3 gồm có 3 khóm: khóm 1, khóm 2 và khóm 3 (trước đây gọi là ấp Tân Long)
    • Thành lập phường 4 gồm có 2 khóm: khóm 1 và khóm 2 (trước đây gọi là ấp Tân Hưng và ấp An Thuận)
    • Thành lập xã Tân Quy Tây gồm có các ấp Tân Hoà, Tân An và một phần của xã Vĩnh Phước cũ
    • Thành lập xã Tân Phú Đông gồm có các ấp Phú Long, Phú Thuận và Phú Hoà
    • Thành lập xã Tân Quy Đông gồm có các ấp Tân Mỹ I, Tân Mỹ II và ấp Sa Nhiên

Ngày 16 tháng 02 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 36-HĐBT[2] về việc điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp:

  • Tách 2 ấp Tân Huề, Tân Lợi gồm 890 hécta diện tích tự nhiên với 4.508 nhân khẩu của xã Tân Dương thuộc huyện Thạnh Hưng; 3 cồn Cát Sậy và Bồng Bồng gồm 152 hécta diện tích tự nhiên với 505 nhân khẩu của xã Bình Hàng Trung thuộc huyện Cao Lãnh để sáp nhập vào thị xã Sa Đéc.
  • Thị xã Sa Đéc gồm 4 phường, 3 xã, có 4.005 hécta diện tích tự nhiên với 72.670 nhân khẩu.
  • Địa giới thị xã Sa Đéc:
    • Phía đông giáp huyện Châu Thành và sông Tiền
    • hía tây giáp huyện Lai Vung,Lấp Vò
    • Phía nam giáp huyện Châu Thành
    • Phía bắc giáp sông Tiền.

Ngày 29 tháng 4 năm 1994, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 36-CP[3] về việc di chuyển tỉnh lỵ tỉnh Đồng Tháp từ thị xã Sa Đéc về thị xã Cao Lãnh.

Ngày 30 tháng 11 năm 2004, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 194/2004/NĐ-CP[4] về việc thành lập các phường thuộc thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp:

  • Thành lập phường Tân Quy Đông trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tân Quy Đông.
  • Thành lập phường An Hòa trên cơ sở 641,10 ha diện tích tự nhiên và 7.490 nhân khẩu của xã Tân Quy Tây.

Ngày 15 tháng 12 năm 2005, thị xã Sa Đéc được công nhận là đô thị loại III.

Vào năm 2008, Sa Đéc đã long trọng tổ chức đêm giao thừa để chào mừng 250 năm (1758-2008) thành lập Đông Khẩu đạo (tức thành phố Sa Đéc bây giờ và một số vùng lân cận).

Ngày 14 tháng 10 năm 2013, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 113/NQ-CP [5] về việc thành lập thành phố Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở toàn bộ 5.981 ha diện tích tự nhiên, 152.237 nhân khẩu và 09 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Sa Đéc.

Thành phố Sa Đéc có 5.981 ha diện tích tự nhiên, 152.237 nhân khẩu và 09 đơn vị hành chính cấp xã gồm 06 phường: 1, 2, 3, 4, An Hòa, Tân Quy Đông và 03 xã: Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây, Tân Phú Đông.

Vào ngày 31 tháng 01 năm 2014 (đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán năm Giáp Ngọ), Ủy ban nhân dân Thành phố Sa Đéc đã tổ chức Lễ Công bố Nghị Quyết Chính phủ về việc thành lập thành phố Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp. Buổi lễ cùng với Đêm Giao Thừa Chào Đón Năm mới 2014 đã thu hút trên 500.000 người đến tham dự.[6]

Ngày 10 tháng 2 năm 2018, thành phố Sa Đéc được công nhận là đô thị loại II[7].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sa_Đéc http://www.thiennhien.net/news/189/ARTICLE/7619/20... http://web.archive.org/web/20070328173601/http://w... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://www.baodongthap.vn/newsdetails/1D3FE18F2E6/... http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/het... http://www.google.com.vn/url?sa=t&source=web&ct=re... http://www.google.com.vn/url?sa=t&source=web&ct=re... http://www.nld.com.vn/178783P0C1020/ve-sa-dec-tham... http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?Chann...